Con đường đến đỉnh cao quyền lực Armand_Jean_du_Plessis_de_Richelieu

Năm 1614, Richelieu được bổ nhiệm làm đại diện cho hội đồng các đẳng cấp của nước Pháp (États géneraux). Tại đây ông được Thái hậu Medicis bổ nhiệm làm cố vấn cho mình.

Vốn là người Ý, thái hậu Medicis đã mang theo cận thần Concino Concini đến nước Pháp. Sau khi con trai Louis XIII mới 9 tuổi kế vị ngai vàng, Thái Hậu trở thành nhiếp chính nắm hết mọi quyền. Mặc dù năm 1614 khi nhà Vua đã đủ tuổi theo quy định Hoàng gia để nắm quyền, nhưng Thái Hậu và Concini vẫn cố giữ lại mọi quyền hành cho mình.

Do cái nguồn gốc Ý mà lề lối cai trị của họ đã khiến cho dân chúng rất mất lòng. Cuối cùng đại thần Charles de Luynes và nhà vua trẻ đã hợp sức để lật đổ Thái Hậu. Thái Hậu bị cầm tù tại Chateau de blois, còn Concini bị ám sát chết.

Mất đi người bảo hộ, Richelieu bị tước đi mọi chức vụ, và bị lưu đày đến Avignon. Thời gian này được Hồng y Richelieu tả lại trong nhật ký là "quãng thời gian tẻ nhạt, tôi như bị cách ly với thế giới bên ngoài...", khoảng thời gian này ông hầu như chỉ có viết sách và đọc sách.

Năm 1619, Thái hậu lấy lại được quyền hành, dưới sự ủng hộ của các quý tộc, bà rời khỏi Chateau de blois và lên đường về Paris. Trước hoàn cảnh tiên thoái lưỡng nan này, bắt buộc Louis XIII và Charles de Luynes phải nhờ đến Richelieu đi khuyên giải Thái hậu. Ông như là người nối cầu giữa vua và Thái Hậu. Những mối quan hệ đan xen và phức tạp giữa 2 mẹ con đã được Richelieu giải toả một cách tài tình và trọn vẹn. Thái Hậu hoàn toàn được tự do và mối quan hệ mẹ con trở nên rất tốt đẹp. Bây giờ trở ngại duy nhất cho Richelieu đến quyền lực là vị đại thần đầy quyền uy Charles de Luynes.

May mắn cho ông, năm 1621, de Luynes chết đột ngột. Và Richelieu thăng tiến rất nhanh chóng, bởi Thái Hậu đã áp đặt áp lực lên vị Vua nhu nhược bất tài Louis XIII.

Năm 1622, nhà vua đã đề nghị Giáo hoàng Gregory XV (1621-1623) tấn phong chức Hồng y cho Richelieu. Năm 1624 ông được phong hàm Thượng Thư, Quốc vụ khanh đối ngoại, và chỉ 6 tháng sau, dưới sức ép của Thái Hậu, nhà vua đã phải bổ nhiệm Richelieu làm người đứng đầu Nội Các- hay Tể Tướng. Từ đây danh hiệu đầy đủ của ông là Jean Armand du Plessis duc de Richelieu, hay ngắn gọn là Hồng y Tể Tướng Richelieu.

Con đường vươn đến đỉnh cao quyền lực của Richelieu có ảnh hưởng gần như quyết định của Thái Hậu Medicis và khả năng thuyết phục, tài ăn nói của Hồng y. Làm Tể Tướng khi mới 39 tuổi, và nắm quyền lực thật sự của Pháp trong suốt 18 năm, ông được xem như nhân vật quyền lực nhất châu Âu thời đó, thời gian Richelieu tại vị được xem như ảnh hưởng rất mạnh đến toàn châu Âu.